Nói ví von Noel là sinh nhật của 1 Người quan trọng nhưng chả có bánh sinh nhật nào cho người thường ăn cắm nhiêu đó nến. Người cũng không sống nhiều vậy, Ngài cũng ở trần gian 33 năm thôi. Và còn vui hơn là chủ nhân bữa tiệc thì không có mặt để thổi nến.
Nhưng lạ thay, nhân loại kể từ khi biết đến lễ Noel, kể cả những vùng cấm đoán như T.àu, ai cũng khát khao được vui chơi vào ngày Giáng Sinh. Đôi khi không phải chỉ vì toàn thể những nước giàu theo Kito giáo nghỉ làm ngày này, hay là hùa theo đám đông. Nếu Noel chỉ mang ý nghĩa vật chất tầm thường, có lẽ người hiểu hay người hùa theo không thể giữ không khí này quá lâu như vậy. Vậy nó là gì khiến những người không theo đạo cùng hòa vào cái niềm vui to lớn ấy?
Ý kiến của cá nhân thôi: Đó chính là do hình ảnh gia đình hạnh phúc và đầy hy vọng trong cảnh gian lao, khó nhọc.
Nhìn vào hang đá thì chắc chắn ai cũng biết rằng, gia đình kia tạo hình rất nghèo. Chả có nhà giàu nào sinh con trong hang đá, quấn tã vải đặt trong máng cỏ rồi dựa vào hơi ấm bò lừa cho con trẻ sơ sinh bớt lạnh lẽo. Phải nói là cái gia đình nghèo rớt đến hết cả mồng tơi để rớt. Nhưng gia đình ấy toát lên vẻ hạnh phúc rạng ngời.
Cũng phải cảm ơn các vị thừa sai Phương Tây mang đến lễ này tại đất Việt. Không có nó, người Việt cứ cắm đầu làm cho tới tháng Chạp rồi mới bùi ngùi nhớ về gia đình. Nhờ lễ Noel, nó như hồi chuông thứ nhất nhắc rằng: con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn.
Mọi người lại lo thu xếp, tổng kết, thu vén để tới hồi chuông thứ hai là tháng chạp Âm Lịch, mọi thứ gần như sẵn sàng để bắt đầu cho một năm mới đầy hy vọng hơn. Mặc kệ năm sau thế nào, có covid 21 hay 22 gì đấy, còn sống, còn yêu thương là vẫn còn hy vọng.
Không có gì đáng sợ bằng sống trong thời gian cách ly sáng thức dậy không rõ khi nào chấm dứt tình trạng cô lập, tù túng, bức bối tâm lý khi ở trong không gian chật hẹp. Có quá nhiều các bài học từ các nước khi hậu cách ly là phải chữa trị tâm lý, tâm lý chưa ổn lại đi vào cách ly. Nó biến thành cái vòng luẩn quẩn không lối thoát và nhiều nước ghi nhận cũng kha khá vài ca “reset” cuộc đời. Rồi gần đây nhất là tin về 2 người phụ nữ tại Nhật phải chết đói trong tình trạng bị bỏ rơi vì cách ly.
Những lúc này, hy vọng rằng những ai hiểu về gia đình trong hang đá ấy đã trải qua chuyện gì, chắc họ cũng được an ủi phần nào. Gia đình mới đón thành viên mới thì cả nhà phải lưu vong vì vua dọa giết, hồi hương thì phải bỏ nhà cũ sang vùng đất mới mà làm lại từ đầu. Dù khó khăn cách trở, họ vẫn ở bên nhau và nay họ thắp niềm tin cho nhân loại trong cơn đại dịch khốn nạn này.
Gần đây nhất có bài hát nổi tiếng của Đen Vâu mà người ta chế khá nhiều:
– Phá sản – đi về nhà
– Vỡ nợ – đi về nhà
– Bị ban vì vpcs – đi về nhà
– Acc bị vhh – đi về nhà…
Tôi có hư cấu tí, nhưng ý nghĩa là: dù có vinh hoa hay lụn bại, gia đình vẫn là nơi bạn khát khao đi về. Hồi chuông thứ nhất đánh rồi. Chúc mọi người an vui mạnh khỏe, không mắc dịch, không “bảy nghề” để tới tháng chạp lại hân hoan dạo chợ mua món này, sắm món kia.
Năm nay hơi nhiều chuyện xảy ra nên hơi sa đà vào chủ đề gia đình, dù sao thì cũng xin gửi lời Chúc mừng sinh nhật đến Ngài Hài Nhi Giêsu.
“VINH DANH THIÊN CHÚA TRÊN TRỜI – BÌNH AN DƯỚI THẾ CHO NGƯỜI THIỆN TÂM”
mừng sinh nhật Chúa cũng làm cho ta nhìn lại ngày sinh nhật gia nhập giáo hội ta đã làm được gì cho giáo hội không
Đây chính là lúc tốt nhất để suy tư và lắng đọng, nhất là khi đại dịch vừa qua.