Càng gần Noel, không khí lạnh tràn vào miền Bắc. Còn trong Nam, không khí như muốn nướng lỗ mũi người thở. Chưa năm nào thấy đất Sài Gòn – Gia Định nhiều nắng như năm nay. Sáng nào đi làm cũng ngược hướng mặt trời. Vừa lái xe vừa nhìn đời bằng nửa con mắt cho đến khi qua ngã 6 Dân Chủ vào đường Nguyễn Thượng Hiền.
Hết vùng nắng nóng, ta vào vùng bão tố. Đầu năm, vùng bão chỉ là cơn gió mạnh. Hết quý 2, chỉ còn cơn gió thoảng. Quá quý 3, nó thành áp thấp nhiệt đới và đến cuối năm, nó trở thành bão cấp đại học, giật cấp cao học và có thể thành cấp nghiên cứu sinh. Cái cơn bão này chả có định hướng, nên cứ quay mòng mòng. Bên trong nó là toàn bộ đám hổ lốn từ khắp các phe tụ về. Phe nào cũng muốn làm chủ cơn bão bất chấp nó có thể thành gió thoảng khi hạ cánh cứng vào đất liền. Mặt đáp xuống trước, đít lê theo sau. Cuối cùng đám hỗn độn đó đứng lên với một hình hài rất đẹp: môi sứt mảng lớn, răng cắm vào đít và chân đạp lên đầu.
Cơn bão đi qua, những gì còn lại chỉ là sự bất ổn cho những con người trong bão. Ngồi phòng máy lạnh, lòng nóng như lửa đốt thành ra sốc nhiệt. Người lúc nào cũng cảm thấy bệnh bệnh, mà chắc chỉ có từ “biến thái” mới lột trần thổ tả được cái trạng thái này. Cơn bão cuốn phăng 2 ngày cuối tuần êm đềm mà không được đền bù. Chẳng có luật nào kết tội cho gió cả. Thế nên ráng cắn răng bọc sứ và inox mà chịu đựng! Thậm chí chịu đựng luôn cả tiếng đòi ăn của bà mẹ mèo và tiếng nhạc rock của chú dế mèn phiêu lưu lộn vào nhà mình cả đêm. Hậu quả là cầm cái phiếu báo danh lên nhìn vào con số 6 (vào phòng thi lúc 6h ở trường TDT dưới quận 7) là quăng tờ giấy ra đầu hàng giấc ngủ (Năm đó tính thi cao học mà bỏ luôn.).
Mọi chuyện thật tệ, nhưng vẫn còn hy vọng le lói là ngày 21 đã không có gì xảy ra. 4 ngày sau kỷ niệm 2012 năm Ngôi Lời thành xác phàm. Ngài ở ngôi cao nhưng không quên đàn con khốn khổ dưới thế. Ngài hiện thân thành hài nhi bình thường như bao đứa trẻ khác. Tại sao lại là đứa trẻ nhỉ? Sao không là vị thần khổng lồ cao chót vót với lưỡi sét trong tay hay một ông cụ già thông thái râu dài tới rốn? Khi bạn nhìn thấy đứa trẻ bạn thấy gì nào? Ngoài sự đáng yêu, mỏng manh khiến ai cũng muốn bảo bọc (người ta gọi là hiện tượng tâm lý ấu trùng) còn gì nữa? Đó chính là hy vọng và những tiên đoán về tương lai! Bạn thấy nó ăn nhiều bạn cho là sau này nó ăn khỏe, mập mạp. Bạn thấy nó khóc như muốn ngất đi vì đói, bạn gia cát dự là nó sẽ rất dữ sau này khi muốn vòi cái gì đó…. Và túm lại là, Đấng tối cao tới với ta trong hình ảnh em bé mang lại cho chúng ta hy vọng về tương lai.
Năm nay nhà mình lại thêm một niềm hy vọng. Một thành viên mới lại ra đời. Thế là có 2 niềm hy vọng trong nhà: một niềm hy vọng bước chập chững, hay khóc nhè vòi đủ thứ và bi bô tập nói; niềm hy vọng thứ 2 thì toàn ngủ, thức thì oe oe được 1 lúc lại đòi ăn.
Giáng sinh tới rồi! Dọn một chỗ trong lòng mà đón Chúa hài đồng đi thôi. Đón niềm hy vọng vào lòng! Suy nghĩ cho con đường sắp tới…
Rất là cảm xúc, lắng đọng lòng người
Cảm ơn bạn đã coi qua bài viết nha.