Năm 2016, tôi có một động lực to lớn để đi nhà thờ cách xứ nhà tới 10 km. Thực ra lúc đó Chúa không gọi tôi tới đó, mà là tiếng gọi con tim. Giáo xứ tôi dự lễ có tên rất Tây. Tên của xứ là Jeanne D’Arc. Bạn có thể đọc là Gian Đác hay Gian Đa gì đấy cũng được. Đây là một giáo xứ có lối kiến trúc mô phỏng gần giống với Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn.
Sau 2016, cái động lực con tim không còn. Tôi cũng ít lên xứ Jeanne D’Arc. Nhưng sau này, truy nguyên về hình thành xứ nhà, tôi được biết điều thú vị.
Năm 1954, đồng bào công giáo di cư ngược xuôi nhiều miền đất mới tìm được nơi an cư và lập xứ. Cha Tô Ma Phạm Ngọc Biểu cũng phải vất vả theo đàn chiên trên con đường về “Canaan”. Khi trở lại Sài Gòn, cha đã nhờ đến sự giúp đỡ của cha sở Jeanne D’Arc lúc ấy cha Giuse Bùi Văn Nho. Cha Nho đã nhờ các chủ đồn điền người Pháp nhượng đất để giúp cha Tô ma Phạm Ngọc Biểu một mảnh đất để định cư giáo dân và lập xứ. Giáo xứ hiện tại tên là Phú Bình, thuộc hạt Phú Thọ.
Từ mảnh đất này, cha Tô ma đã coi sóc và khởi phát ra nhiều xứ mới, trong đó có xứ Nhân Hòa ngày nay. Thời cha Tô ma, xứ Nhân Hòa chỉ là một giáo điểm vùng hẻo lánh của tỉnh Gia Định và xa Sài Gòn. Thời tôi còn nhỏ, tôi còn thấy người ta trồng lúa và có cả máy cày nữa. Thời xưa thì xung quanh chỉ toàn ruộng lúa, đủ hiểu là xứ tôi nằm xa xôi cỡ nào.
Tính theo khoảng cách, Nhân Hòa rất xa so với xứ Phú Bình. Với điều kiện đường xá ngày xưa, tôi chắc hẳn mỗi lần thăm giáo điểm, chắc cha Tô Ma vất vả không kém. Giáo điểm được lập ra để lo mục vụ cho quân nhân và gia đình trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Địa điểm giáo điểm đầu tiên thuộc phần đất của Pandora ngày nay.
Thời gian lập giáo điểm cũng không có ghi chép rõ ràng. Theo nhiều cụ cao niên kể khoảng những năm 60 đã có giáo điểm rồi. Phần đất giáo xứ hiện tại lúc đó thì mới có trường tư thục Xuân Bích và khu nhà của các cha Xuân Bích ngày nay. Sau này, nơi làm lễ dời vào khu nhà của các cha Xuân Bích. Và đến năm 1972, Giáo xứ Nhân Hòa được thành lập và cha Giuse Nguyễn Thiện Toàn làm chính xứ tiên khởi.
Đồng thời với sự thành lập của Nhân Hòa, hạt cải” Phú Bình còn trổ sinh thêm 3 “cây cải” khác là Phú Hòa, Tân Phú Hòa và Vĩnh Hòa. Có thể còn nhiều xứ khác chịu ơn gián tiếp hay trực tiếp từ hành động bác ái của cha Bùi Văn Nho tại nhà thờ Ngã Sáu, nhưng hiện tại theo tôi nghiên cứu và ghi nhận có 3 xứ trên.
Có lẽ mọi sự do Chúa sắp đặt và an bài. Tôi cũng có cơ hội góp công góp sức cho Jeanne D’Arc để đền một chút ơn nhỏ bé so với cái ơn to lớn của cha Nho. Hy vọng trên con đường đóng góp cho giáo hội, tôi lại tìm được nhiều chứng nhân của Ngài để được nghe và cảm nhận ơn Ngài nhiều hơn.