Phi thương bất phú hay phi công bất phú

Hình tượng doanh nhân trong tiềm thức người Việt ít mang nghĩa tích cực. Ngay như châm ngôn của cụ Lê Quý Đôn nói về vài trò của doanh thương là “phi thương bất hoạt” thì lại bị cải biên thành “phi thương bất phú”. Giao thương có nhiệm vụ thúc đẩy sự vận động của toàn xã hội, mang hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi có nhu cầu. Hàng hóa lưu thông, không bị ùn ứ xã hội mới vận động và phát triển. Có thể nói giao thương là mạch máu giúp đưa máu tới nhưng nơi cần thiết để nuôi sống cơ thể chúng ta. Tuy nhiên, giao thương tốt chưa hẳn mang lại sự giàu có. Vậy muốn giàu có phải làm gì?

Nông nghiệp thỏa mãn cho nhu cầu cơ bản của con người. Nhưng bù lại, nông nghiệp không thể tạo ra nhiều giá trị gia tăng vì nhu cầu cơ bản có giới hạn. Con người chỉ dùng đủ lương thực hàng ngày và dù sản lượng có tăng gấp 10 thì cũng không thể tăng nhu cầu lên 10 lần.

Một nền kinh tế tri thức, kỹ thuật cao, lao động lành nghề là lợi thế cạnh tranh to lớn. Nó giúp ta bắt kịp sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại. Nhưng nếu chỉ với tư duy thích nghi, nắm bắt cho kịp tri thức sẽ chỉ khiến chúng ta đi theo sau chứ không mang lại sự đột phá. Nền kinh tế chú trọng cải tiến của Nhật đã là một bài học lớn cho chúng ta.

Vậy làm thủ công nghiệp sẽ mang lại sự giàu có? Công ở đây chúng ta không nên hiểu chỉ là thủ công nghiệp. Công cũng có thể hiểu là công nghệ, nghĩa là những sản phẩm phi nông nghiệp, phi truyền thống chưa định hình thị trường. Sản phẩm có hàm lượng chất xám cao giải quyết nhanh chóng một vấn đề của xã hội và có thể đưa một ngành nghề truyền thống vào dĩ vãng. Để làm điều này, cần phải có sự mạo hiểm, dám đối mặt với rủi ro thị trường. Thất bại có thể không tránh khỏi, nhưng thành công sẽ rất ngọt ngào và vinh quang. Vì thế như cụ Lê Quý Đôn đã từng nói: “Phi công bất phú”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *