Khởi nghiệp theo nghĩa bình thường chúng ta hiểu là ngừng đi làm thuê, chuyển sang làm chủ. Cũng có trường hợp học xong ra kinh doanh luôn, cũng được tính là khởi nghiệp.
Đơn giản là bán được hàng thì ăn, còn không thì chịu lỗ vốn. Hàng ở đây là sản phẩm hữu hình hoặc vô hình như dịch vụ. Cũng không cần phải phân biệt đó là ngành truyền thống hay ngành công nghệ. Nếu phân biệt như thế, nghe nó chẳng khác gì cái thời Sĩ – Nông – Công – Thương. Thực ra các từ khởi nghiệp, lập nghiệp hay từ vay mượn startup sẽ có nhiều kiểu định nghĩa từ nhiều tổ chức, chuyên gia hay người tham gia khởi nghiệp. Nhưng khởi nghiệp có phải là nơi để chúng ta cãi nhau nó là gì? Không phải thế!
Khởi nghiệp từ Chợ Lớn
Một anh chàng, tạm gọi là A Châu, anh ấy sau nhiều năm làm bưng bê phục vụ nhà hàng của bác Dương. Anh ấy có một số vốn nhỏ. Nhận thấy việc phục vụ nước trong quán còn chưa hoàn hảo. Anh muốn mở một quầy bán nước và xin bác Dương một góc nhỏ để đặt xe đẩy. Bác Dương mừng lắm vì từ nay không còn phải lo chuyện phân công ai mang nước cho khách nữa. Bác Dương cho A Châu chút vốn nữa để làm ăn. A Châu khởi nghiệp từ cái xe đẩy bán nước. Ngoài nhà hàng bác Dương, anh còn bán cho cả những quán khác trong vùng.
Khách phục vụ tăng lên. A Châu thuê một chú nhỏ mới vừa sang Việt Nam làm người phụ việc. Công việc ngày 1 tiến triển. Lượng hàng tiêu thụ lớn, A Châu thuê kho bỏ nước đóng chai cho các mối hàng tại mấy tỉnh Nam Kỳ. Con trai anh sau thời gian học tại trường kỹ nghệ quyết tâm muốn mở xưởng làm nước đóng chai. Anh giúp nó chút vốn rồi làm cổ đông trong công ty. Sau cái xe đẩy bán nước bán đầu gọi đúng tên là khởi nghiệp, những công việc kinh doanh sau anh tích lũy mở thêm chỉ có thể gọi là mở rộng kinh doanh, chứ không còn gọi là khởi nghiệp nữa. À nếu như sự nghiệp của anh xuôi chèo mát mái, anh ấy chỉ khởi nghiệp 1 lần trong đời.
Khởi nghiệp tại Chợ Lớn, từ nhỏ thành lớn, tích nhiều thành ít, tương thân tương trợ nhau khi khởi nghiệp, giúp nhau khi hoạn nạn. Cứ thế, Chợ Lớn trở thành trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam sau khi Cù Lao Phố bị tàn phá. Cũng những công thức thành công nghe nhàm tai, nhưng ai dám khinh thường những người Hoa Chợ Lớn trong thương trường? Họ có cãi nhau khởi nghiệp, lập nghiệp hay startup là gì không?
Bài học khởi nghiệp từ 1 bộ phim hoạt hình Sing
Bạn Koala trong 1 lần đi xem hát đã đam mê kinh doanh nghệ thuật. Tất nhiên anh không phải con nhà nghệ sĩ. Sự nghiệp kinh doanh khó khăn dần, chỉ có đam mê là không giảm dần. Anh gặp ai cũng nói về nhà hát, tiết mục và một cuộc thi tài năng âm nhạc anh đặt cược cả số phận nhà hát.
Tôi dám cá là anh ta chưa học lớp quản trị kinh doanh, chưa bỏ học Harvard hay tham gia lớp học làm giàu nào. Chỉ có đam mê và sự quyết đoán thực hiện tới cùng. Anh làm mọi cách tiếp cận nguồn vốn từ chính bà nội người bạn thân của anh. Bà nội bạn thân thì tiền không thiếu, chỉ nhiều không có thôi. Anh thuyết phục bà tới coi buổi diễn thử để xin tài trợ. Show diễn thử ấy bể banh cả dĩa. Chắc anh ấy quên cúng tổ nghề sân khấu rồi. Phải nói thêm là không chỉ bể dĩa, cả nhà hát cũng tan nát vì lâu rồi không có tiền tu sửa.
Chả còn gì, với lớp lông dày trên người. Anh ta mạt đến nỗi phải mượn bạn thân cái quần lót. Để làm gì? À, để làm cái nghề rửa xe của ba anh ngày xưa. Anh ta làm cục chùi xe. Tất nhiên, lâu rồi không làm thì chất lượng tệ hại. Anh bạn thân quyết tâm xắn tay áo vô giúp anh ta.
Nói về người bạn thân chút, đây là chàng cừu quý sờ tộc. Anh ta có mọi thứ trừ 1 thứ. Đó là mục tiêu sống của đời mình. Ba má anh ta lo cho anh ta quá, thuê các chuyên gia đào tạo, trainer, coaching để giúp anh ta có động lực. Nhưng anh ta chả tìm thấy động lực nào. Một lần thấy người bạn tán gia bại sản quá tội, anh nhảy vô giúp và với lớp lông cừu thiệt dày. Anh làm cục lau khô.
Những nghệ sĩ tiềm năng đam mê nghệ thuật đã kéo anh Koala lại với đam mê. Họ dựng lại nhà hát tạm. Một đài truyền hình kéo tới quay phim, chả phải mục đích tốt đẹp gì, chỉ là muốn săn những gì tệ hại hơn sẽ ập xuống đầu bạn Koala này. Khách tới xem chỉ có người nhà của các nghệ sĩ biểu diễn.
Và ô kìa kìa! Những nghệ sĩ tiềm năng ấy là những tài năng đích thực. Họ đã trình diễn một show vượt lên chính mình. Khách kéo tới coi nườm nượp, và có cả bà nội bạn thân Koala. Một khoản tài trợ sau đó đã giúp dựng lại toàn bộ nhà hát. Các nghệ sĩ tài năng trở thành 1 phần của nhà hát và được cháy bỏng với tài năng của mình. Anh bạn Koala tiếp tục với đam mê, anh bạn cừu đã tìm được lẽ sống đời mình.
Một câu hỏi là: bạn đã sẵn sàng cầm chổi hay giẻ lau mà dọn công ty bạn những ngày đầu chưa? Và đam mê của bạn đã đúc cái bản mặt bạn đủ dày chưa? Và bạn cũng chưa cần hiểu startup, khởi nghiệp hay lập nghiệp là gì đâu! Khó khăn khi khởi nghiệp nó kinh hoàng hơn mọi định nghĩa sách vở nhiều.
Startup là gì và có khác gì với khởi nghiệp?
Startup là 1 từ tiếng Anh. Hiểu nghĩa đơn giản thôi, bạn bắt đầu kinh doanh một sản phẩm có khả năng tăng trưởng. Kinh doanh công nghệ cũng tăng trưởng, kinh doanh truyền thống cũng tăng trưởng vậy. Chỉ có điều phải thừa nhận là, công nghệ khi mà đáp ứng tốt nhu cầu, nó sẽ tạo ra sự tăng trưởng đột phá mà dân trong nghề hay dùng cụm từ: growth hacking.
Tại Việt Nam, giới khởi nghiệp công nghệ chỉ muốn dùng chữ startup mục đích chỉ để phân biệt và gọi cho ngắn gọn. Startup thay cho cụm từ khởi nghiệp công nghệ, vừa nhanh vừa gọn như chính bản chất của nghề này.
Vậy khởi nghiệp có thể dịch cho từ startup. Hoàn toàn được! Khởi nghiệp là từ Hán Việt hoàn hảo để dịch chữ startup. Khởi là bắt đầu như khởi nghĩa, khởi binh, khởi phát… Nghiệp là sự nghiệp, gia nghiệp, sản nghiệp… Nếu sự nghiệp của bạn ổn định, như tôi nói ở trên, bạn khởi nghiệp chỉ 1 lần duy nhất trong đời. Còn thất bại thì cũng gọi là khởi nghiệp lại. Vì ai đã từng nói khởi nghiệp không khó, sau này gặp lại họ chỉ biết cười trừ với câu “Hồi đó lỡ lời”.
Mục đích cuối cùng của khởi nghiệp là gì?
Tạo ra sự độc lập tài chính. Bạn làm thuê thì chắc chắn bạn đủ sống nếu nền kinh tế tăng trưởng đều. Bạn không thể giàu và dễ bị tổn thương nếu có sự cố cần tài chính lớn.
Tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Thậm chí là tạo việc làm cho người thân, gia đình, bạn bè của bạn. Bạn không nhất thiết cứ phải vì cộng đồng. Tiền trong tay bạn, bạn làm gì có lợi cho bạn là được.
Giải quyết nhu cầu thị trường mà bạn khao khát. Nói trắng ra, bạn đang muốn trở thành người hùng với giải pháp độc quyền mà thị trường sẽ tung hô bạn.
Giúp cho cộng đồng có công ăn việc làm, giúp mọi người biết đến lợi ích của họ khi gia nhập vào bộ máy kinh doanh của bạn, giúp bạn thu hút mọi người cùng thực hiện ý tưởng với bạn và bạn sẽ trả lại cho cộng đồng những lợi ích khác theo mô hình cộng sinh cùng có lợi.
Lợi ích mà khởi nghiệp mang lại là gì?
Đối với nhà nước: tăng thu ngân sách, giảm trợ cấp xã hội, tạo động lực phát triển xã hội và giảm thiểu chi phí vận hành nhờ sự tiến bộ công nghệ. Thu hút những nguồn vốn lớn hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Đối với cộng đồng: lợi ích từ sản phẩm mới giải quyết nhu cầu, có việc làm thì có thu nhập, doanh nghiệp có lợi nhuận thì giúp ngược lại cộng đồng.
Đối với thị trường: tạo sự đa dạng, cạnh tranh, đổi mới không ngừng cảc sản phẩm, giải pháp và tăng khả năng cạnh tranh.
Đối với nhà đầu tư: dòng tiền được sử dụng sinh ra lợi nhuận cao dù rủi ro đi kèm cao.
Và tất nhiên, có nhiều lợi ích con khác và chỉ nên tạm liệt kê như thế.
Kết lại: Hãy ngừng sa đà vào những tranh cãi không cần thiết, giải pháp và vấn đề cơ bản quanh ta rất nhiều. Đi, nghe, nói, đọc và viết nhiều hơn sẽ giúp bạn hiểu thị trường hơn. Trái tim bạn cần đập gần với nhịp của thị trường. Khi bạn đã hiểu thị trường thì khó khăn sẽ chóng qua thôi. Vì đa phần khởi nghiệp thất bại chính từ ngay cái đầu tiên: chẳng nghiên cứu thị trường nên chẳng hiểu thị trường cần gì.