Startup Việt và nỗi lo bị đánh cắp ý tưởng khi Crowdfunding

Nếu như tài chính là nỗi sợ lớn nhất của startup Việt thì nỗi sợ thứ 2 là việc sợ mất ý tưởng. Đó cũng là trở ngại khi startup Việt sử dụng mô hình crowdfunding. Ngoài ra, dù chưa biết ý tưởng có phù hợp thị trường hay không nhưng họ vẫn có e ngại chung là sợ không được cộng đồng đón nhận, sợ bị chê quá thẳng thừng hay hứng “gạch đá”.

Khởi nghiệp cách nào khi ý tưởng chỉ ở trong đầu?!

Bạn có nghĩ rằng ý tưởng của bạn đã đủ sắc bén hay phù hợp? Một mình bạn đại diện cho bao nhiêu % thị trường nếu bạn không khảo sát, chia sẻ ý tưởng để nhận đánh giá từ cộng đồng? Và trên hết là, bạn có chắc không ai nghĩ giống bạn? Chia sẻ nó đi vì giữ mãi trong đầu bạn cũng chỉ tự mãn và mãi là kẻ ước mơ mà thôi. Ý tưởng không va chạm thì ý tưởng không thể lớn.

Ý tưởng sẽ mãi chỉ là ý tưởng nếu bạn tỏ ra ngần ngại.

Có một số startup không muốn đi vận động tài trợ vốn vì sợ bị đánh cắp ý tưởng. Họ sử dụng tiền tiết kiệm, tích góp bao nhiêu năm để thực hiện. Nhưng đợi đến khi bạn kiếm đủ số tiền thì liệu ý tưởng đó có còn trở nên độc đáo và phù hợp nữa hay không?

Ý tưởng chỉ là bước khởi đầu, quan trọng nhất vẫn là cách vận hành.

Khai sinh ý tưởng là 1 chuyện được là một chuyện nhưng nuôi dưỡng để một ý tưởng sống được, phát triển, đem lại giá trị lại là chuyện khác. Không thể khẳng định sẽ không có chuyện 2 ý tưởng cùng được đưa ra giống nhau trong thời đại thế giới phẳng.

Ông Hùng Đinh, CEO JoomlArt cho rằng những người khởi nghiệp chuyên nghiệp thì không bao giờ giấu ý tưởng cho riêng mình. Theo ông, sẽ là sai lầm khi các bạn trẻ chưa khởi nghiệp đã lo bị ăn cắp ý tưởng bởi từ ý tưởng đến khi làm ra sản phẩm không dễ.  “Ngay cả bạn đang vận hành dự án nhưng gặp đối thủ cạnh tranh, vẫn có nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi”, ông Hùng nhấn mạnh.

Chỉ người thua cuộc mới tin “chỉ cần một ý tưởng tốt để thành công”.

Đồng tình với tâm lý sợ ăn cắp ý tưởng, nhiều người cho rằng đây là một trong những nguyên nhân lớn khiến nhiều bạn trẻ e ngại khi thực hiện kế hoạch Crowdfunding. Tuy nhiên, chỉ có người thua cuộc mới tin chỉ cần một ý tưởng tốt để thành công. Rõ ràng, ngoài việc nghĩ ra được ý tưởng tốt, độc đáo, trong mỗi ý tưởng còn phải có những giá trị cốt lõi, khác biệt để tạo lợi thế cạnh tranh. Một người khởi nghiệp chân chính không bao giờ sợ người khác biết ý tưởng của mình vì anh ta biết rằng chính phương pháp thực hiện mới tạo nên sự khác biệt và thành công.

“Một cây làm chẳng nên non”, một trong những kênh tốt nhất để tìm ra nguồn vốn thực hiện ý tưởng là thực hiện dự án Crowdfunding. Các startup sẽ biết được sản phẩm, ý tưởng của bạn có được mọi người chấp nhận và ủng hộ. Đừng ngại khi chia sẻ ý tưởng của mình, tự tin vào bản thân mình, không ngại lời chê cười, không ngại thất bại là một bí quyết giúp các startup thành công.

 Khởi nghiệp là cả một quá trình lâu dài và vất vả, không có chỗ cho những kẻ muốn hưởng sẵn, cũng không có chỗ cho người hèn nhát, càng không có chỗ cho những ai không có đam mê và hoài bão! Hãy cùng gạt bỏ những lo lắng lâu nay và ươm mầm giấc mơ khởi nghiệp trong mỗi chúng ta!

Phương Thảo – FirstStep.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *