ĐỀ TỪ

Trước mắt tôi,

Tập thơ “Theo ngọn Mây Tần” đã khép lại từ lâu, mà lòng tôi vẫn còn rộn ràng một cảm xúc miên man, lan tỏa. Cảm xúc trước hồn thơ chứa chan tình cảm của Nguyễn Định, tác giả tập thơ. Toàn bộ mấy chục bài làm thành tập thơ này đều thể hiện TÌNH. TÌNH đây là những rung động dạt dào, tha thiết của nhà thơ trước quê hương đất nước, trước những kỷ niệm của thời niên thiếu, trước những đối tượng yêu thương qua từng chặng đường trong những chuyến đi dài một thời đã qua.

Trước hết, nhà thơ luôn bị day dứt bởi những chuyến đi đầu đời khi rời xa ba mẹ và quê hương từ những ngày còn thơ dại:

“Thế rồi một sớm bình minh

Con rời quê mẹ một mình ra đi

Ngập ngừng những bước chia ly

Chim non lìa tổ biết về nơi đâu

Những khi dông bão trên đầu

Con ngồi nhớ mẹ ruột đau chín chiều”

(Mẹ)

Để rồi:

“Một chiều nắng tắt trên đê

Mẹ ơi con đã trở về mẹ ơi

Bao năm lưu lạc quê người

Từng đêm con vẫn trông vời cố hương!

 

Những lời thơ dung dị và chân tình đó đủ thể hiện tình yêu quê hương nồng cháy không cần cường điệu hay hoa mỹ. Cũng như tiếng nói thắm thiết của người con mất mẹ trong lời thơ mộc mạc đơn sơ nhưng cổ kính trang nghiêm:

“Mẹ già trăm kính ngàn yêu

Mẹ về thiên cổ một chiều cuối đông

Từ đây con lạc giữa dòng

Từ đây con lạc giữa dòng nhân gian”

Tâm hồn nhà thơ, ngay từ thời niên thiếu luôn quyến luyến với hình ảnh mẹ hiền ở một phương trời xa cách và vì thế không ngừng gắn bó với quê nhà.

Tuy nhiên, tình yêu đất nước quê hương ở tác giả, không chỉ thu hẹp với thôn trang, nơi chôn nhau cắt rốn mà tỏa rộng ra muôn nơi.

Đi đến đâu nhà thơ cũng ngây ngất chiêm ngưỡng vẻ đẹp ở đó bằng những câu thơ giàu cảm xúc, mang một vẻ đẹp trữ tình:

“Ai về Châu Mộc chiều sương tỏa

Có nhớ hồn lau dạt bến bờ…”

(Cảm đề Tây Tiến)

Và đây là cảnh trời mưa trên cao nguyên với những câu thơ giàu hình ảnh và nhạc điệu:

“Không gian màu trắng mưa sa

Co ro cây đứng trông xa trời buồn…

Dốc trơn lộ nhỏ xe bon

Quán thưa gió lạnh bỏ hồn ở không”

Rất nhiều bài thơ về những cảnh đẹp như những bức tranh sống động mà người đọc không thể nào quên trong tập thơ. Chúng đáng đọc trọn vẹn để hiểu được sự phô bày tình cảm chân thành của tác giả: “Hà Nội ngày về”, “Bài thơ cho Huế”, “Trở lại Nha Trang”, “Chiều Đà Lạt”, “Việt Nam mến yêu”… và những câu sau trong bài “Kỷ niệm”:

“Cho nhau giấc đẹp thư sinh

Có em tôi chợt thấy mình thanh tân

Yêu emm có bóng giai nhân

Xe lăn chầm chậm một lần thăm nhau”…

Tập thơ còn đặc biệt lôi cuốn sự chú ý của người đọc với những hoài niệm đầy gợi cảm như đoạn thơ sau trong “Ngày về”:

“Mười năm xa quê hương

Mười năm trời cách biệt

Đời tưởng chừng đã hết

Người tưởng chừng chưa quên…

Người đi còn đi mãi

Chân trời hay góc biển

Hết thu rồi qua đông

Ngày tháng xa biền biệt…”

Đó thật là những câu thơ vừa bình thường vừa giản dị lại vừa mang ý vị ngậm ngùi. Và đây, những trông mong khắc khoải, những ước mơ rộn ràng trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong quá khứ đầy mẫn cảm:

“Dù cách xa lòng tôi vẫn mong

Tôi đem tâm sự nắng vàng hong

Bao giờ xuôi nẻo chân trời cũ

Tôi sẽ tìm em trên bến sông…”

Niềm hoài cổ sâu lắng trong nỗi xúc động bồi hồi trước cảnh cũ người xưa – thành nội Huế – chính nơi dây gần hai thế kỷ trước, thi hào Nguyễn Du đã khởi sự sáng tác truyện Kiều bất hủ:

“Một ngày viếng cố đô

Mưa rơi trên mái cổ

Hương chiều bay theo gió

Lặng hồn với người xưa…

 

Người xưa Tố Như ơi!

Câu thơ nghe bồi hồi

“Trăm năm trong một cõi”

Đời người bao nổi trôi

(Bài thơ cho Huế)

Nhưng tâm hồn Nguyễn Định không chỉ trầm mặc suy niệm về quá khứ – lịch sử mà còn quấn quít với cuộc đời thực đã trải qua, nhất là quấn quít với những kỷ niệm thời niên thiếu – thuở cắp sách tới trường.

Những hoài niệm đã khắc sâu từng nét trong tâm tưởng:

“Chẳng biết bao giờ hết nhớ nhau

Quê hương vời vợi mãi bờ dâu

Những lần tan học trên đường vắng

Là lúc thầm nghiêng ánh mắt trao”

(Xuân nhớ)

Hay những cảnh buồn vui lẫn lộn mỗi khi hè rộn ràng tới vì sắp phải xa trường, xa bạn:

“Mỗi lần mùa hoa phượng nở

Nắng vàng nhuộm thắm bờ tre

Dòng buồn ta ngồi lưu bút

Mang mang tiếng cuốc kêu hè

 

Tạm biệt sân trường nắng đổ

Tạm biết hàng cây yêu thương

Tạm biệt mùa hoa phượng đỏ

Mai ta về khắp bốn phương

(Mùa hè)

Hai bài “Xuân nhớ” và “Mùa hè” thấm đượm hương vị của tình yêu thuở học trò ngây thơ trong trắng với chất liệu thực rất nhỏ nhoi nhưng tràn đầy mộng mơ của chàng thư sinh có cuộc sống nội tâm nhạy cảm trước cảnh, trước người.

Nhưng biểu hiện trong trẻo nhất, mượt mà nhất, sâu lắng nhất về tình yêu của nhà thơ tập trung ở những bài: “Những cụm hoa vàng”, “Tình đầu”, “Nụ cười”, “Kỷ niệm”….

Tình yêu trong sáng luôn chứa đầy niềm cảm thông lặng lẽ của nhà thơ:

“Yêu em mộng chở đầy hồn

Ngày lên tiếng gọi đêm còn vọng nghe

Yêu em lặng ngắm chiều về

Ngoài kia trời đã bốn bề lạnh căm!”

(Những cụm hoa vàng)

Tình yêu thanh thoát trong nỗi nhớ nhẹ nhàng mà thắm thiết, chân thực mà sâu lắng:

“Chiều thu nhớ dáng em hiền

Giờ thôi xóa hết ưu phiền ngày xưa

Vẫn còn đây mãi hồn thơ

Ngân lên muôn điệu thẩn thơ nhân gian”

(Nụ cười)

Và :

“Yêu em yêu mối tình đầu

Như yêu Mười tám thôn trầu quê ta

Yêu em đâu cũng là nhà

Ngủ đi một giấc an hòa có nhau”

(Kỷ niệm)

Tình yêu có thể đạt tới đỉnh cao của sự thánh thiện, đó là do cảm nhận sâu sắc của nhà thơ về tính chất hư huyễn cuối cùng của nó trong cuộc sống vẫn chảy một cách êm đềm như dòng sông bất tuyệt:

“Thời gian, ôi bóng chim!

Dòng sông, ôi cuộc sống

Tình yêu chỉ là mộng

Sẽ chìm vào hư không”

(Hoài niệm)

Bên cạnh những bài thơ về tình yêu lứa đôi và tình yêu quê hương đất nước, ở tập thơ còn có những bài thơ tưởng nhớ những bậc tiền bối mà tác giả đặc biệt kính yêu: Nguyễn Du (bài “Ngày xuân đọc Kiều”), Văn Cao (bài “Hà Nội ngày về”) hay người thầy học cũ (bài “Nhớ về thầy”)

Những bài thơ này đều được tác giả sử dụng những từ ngữ giản dị, trong sáng mang tính biểu cảm cao, chưa đựng lòng yêu kính chân thành:

“Thầy để lại con mãi tấm gương

Một đời tận tụy với tình thương

Năm năm vẫn nhớ ngày xưa ấy

Bóng dáng cha hiền nơi cố hương

(Nhớ về thầy)

Toàn bộ tập thơ “Theo ngọn Mây Tần” thắm thiết nghĩa tình, đôn hậu thủy chung với gia đình, bạn bè, với quê hương đất nước, với những kỷ niệm thời niên thiếu, với những đối tượng yêu thương mà nhà thơ đã dành nhiều tình cảm bằng cách thể hiện khá nhuần nhuyễn nhiều thể thơ: bốn chữ, năm chữ, sáu chữ, bảy chứ, tám chữ và đặc biệt là những lục bát:

“Năm năm bóng quê nhà

Nhìn ra đầu ngõ biết là có nhau

Từ khi ngựa sải theo tàu

Tìm nhau mấy độ mái đầu bạc phơ”

(Nhớ bạn)

Có khi lại bình dị mà bất ngờ xuất hiện hình ảnh lạ đầy ấn tượng:

“Xe anh thổ mộ về đâu

Vút sâu con lộ gục đầu ngủ yên”

(Chiều Bình Đông)

Không bài lục bát nào trong tập thơ tỏ ra non nớt, nếu không nói tác giả đã đạt tới mức thuần thục về cách sử dụng, vần điệu. Mỗi bài đều mang phong cách riêng của Nguyễn Định, một phong cách có bản sắc độc đáo, đồng thời được trui rèn trong truyền thống thơ lục bát của dân tộc, đặc biệt qua Nguyễn Du và Huy Cận mà tác giả vô cùng cảm kích. Những bài thuộc các thể bốn chữ, năm chữ,… cũng đều có sắc thái riêng biệt và độc đáo, dung dị mà truyền cảm:

“Lời ca nào tha thiết

Trong vườn xuân chiều nay

Tình xưa giờ đã chết

Chỉ còn màu lá bay”

(Ngày về)

Đôi khi đơn giản đến kinh ngạc trong những câu bốn chữ đầy ấn tượng như:

“Lộ sâu hun hút

Bóng đã xế rồi…

Vụt phi nước kiệu

Bụi tung mù trời…”

(Chiếc xe thổ mộ)

Và những câu bảy chữ như:

“Em nhủ em về trong ngõ cũ

Chiều hôm còn đượm nắng vườn cau

Tháng năm còn nghẹn niềm trong trắng

Xa cách đi rồi thương nhớ nhau”

(Xuân nhớ)

Và những câu thơ sáu chữ như trong bài “Mùa hè” đã nêu trên đây…

Những câu thơ như thế thật rõ là không sao trộn lẫn được với những câu thơ cùng thể loại của bất cứ nhà thơ nào khác, mặc dầu chúng rất đơn sơ, mộc mạc nhưng hồn nhiên trong sáng và đôi khi mang nét cổ kính.

Chúng mang phong cách riêng của Nguyễn Định, một phong cách đáng cho người đọc chúng ta trân trọng, làm thân và nhớ mãi.

NGUYỄN NHẬT DUẬT

Tháng 8 – 1997

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *