Là người con của Bùi Chu, sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, tôi đang nghiên cứu áp dụng mô hình kêu gọi vốn cộng đồng – crowdfunding. Một mô hình huy động nguồn lực tài chính cộng đồng đang áp dụng hiệu quả trên thế giới. Sau nụ hôn của Giáo hoàng dành cho cậu bé Michael Keating trong đợt tông du đến Mĩ, và khi cha Phao Lô kêu gọi đoàn chiên chung tay trùng tu lại Vương Cung thánh đường, tôi nghĩ rằng đây là lúc sử dụng mô hình crowdfunding cho “Đức Bà” để mọi thành phần dân Chúa có thể tham gia và sau này nếu được, Crowdfunding sẽ trở thành cầu nối để biến ý tưởng Việt thành hiện thực.
Giới hạn bài này, tôi chỉ đề cập đến những dự án crowdfunding liên quan nhất đến việc kêu gọi vốn cho những công trình mang ý nghĩa lịch sử cho cả cộng đồng.
Biểu tượng New York, góp sức của 2 bờ Pháp – Mĩ
Tượng Nữ thần tự do là món quà của người Pháp dành cho người Mĩ nhân kỷ niệm 100 năm độc lập. Người Pháp xây tượng và người Mỹ thi công chân tượng. Tuy nhiên, có điều ít ai biết là chính phủ 2 nước Pháp và Mỹ không hề bỏ đồng nào cho công trình nổi tiếng này. Vậy làm sao bức tượng lại hiện diện sừng sững trước cảng New York ngày nay?
Công dân ở 2 nước đã tổ chức nhiều buổi gặp mặt để tổ chức các hoạt động như trình diễn ca nhạc, kịch, đấu giá các tác phẩm nghệ thuật, tổ chức thi tài thể thao… và một số trường hợp là tài trợ được nhận lại quà tri ân. Điển hình của việc tài trợ và nhận quà tri ân là hoạt động của ông Frédéric Auguste Bartholdi – kiến trúc sư trưởng của công trình, ông đã trao tặng quà cho những người tài trợ xây tượng là một mô hình tượng phiên bản thu nhỏ và có khắc tên người đã đóng góp.
Tuy chỉ làm chân tượng, việc huy động đóng góp bên Mỹ lại không được như ý muốn cho đến khi Joseph Pulitzer – một nhà báo nổi tiếng tham gia phát động. Ông đã sốc lại toàn bộ hoạt động đóng góp cho chương trình bằng cách hứa sẽ đăng tên tất cả những ai đóng góp cho việc làm chân tượng lên những tờ báo mà ông làm chủ bút. Không khí huy động cho việc làm tượng sôi nổi khắp nước Mỹ, ai cũng muốn là một phần của công trình vĩ đại và được vinh danh trên các tờ báo lớn. Nó cuốn theo các bé học sinh nhỏ tuổi cũng tham gia đóng góp dù chỉ là đồng xu lẻ, thậm chí, một lớp mẫu giáo ở bang Iowa cũng góp được 1,35$.
Có thể thấy rằng, xây nên một công trình chung không hề dễ dàng, nhất là khi cộng đồng, cụ thể ở đây chính người dân Mỹ còn chưa rõ được quyền lợi cụ thể cho đến khi nhà báo nổi tiếng Pulitzer vào cuộc tham gia. Ngày trước việc truyền thông cho một sự kiện còn khó khăn, thời đại internet bùng nổ, mỗi cá nhân có thể xây dựng một kênh truyền thông cho riêng mình trên internet như Facebook, blog, web… thì có lẽ phần việc của Pulitzer sẽ nhẹ đi nhiều lắm. Đồng thời với đó, nhiều người sẽ biết đến công trình và sẵn sàng đóng góp cho bức tượng. Và nếu không có Pulitzer dùng tờ báo kêu gọi, nước Mĩ liệu có biểu tượng quốc gia Nữ thần Tự do vào năm 1924 không?
Nụ hôn ban phép lành với hơn 133.000 USD
Trong chuyến thăm nước Mĩ vào cuối tháng 9, Giáo hoàng Francis đã dừng lại hôn Michael Keating – không may bị bại não từ nhỏ. Các giác quan của cậu không thể hoạt động và chỉ có thể giao tiếp bằng tiếng rên từ trong họng.
Khi biết được Giáo hoàng Francis thăm nước Mĩ, gia đình cậu đã chuẩn bị đi từ rất sớm để đón gặp ngài trên hành trình ra thành phố Philadelphia. Bất ngờ, vị Giáo chủ đã dừng đoàn xe và xuống hôn Michael. Hình ảnh đó đã được truyền đi khắp thế giới và gây xúc động mạnh. Nhiều quà tặng được gửi tới gia đình với nhiều lời động viên, chia sẻ kinh nghiệm chăm trẻ khuyết tật và nhiều lời đề nghị giúp đỡ khác.
Hoàn cảnh gia đình Michael cũng không khá giả lại gặp khó khăn khi chiếc xe van chuyên chở Michael lại hỏng. Bố mẹ Michael đã kêu gọi cộng đồng giúp đỡ trên một trang Crowdrise. Crowdrise là trang crowdfunding chuyên hỗ trợ những trường hợp khó khăn trong việc điều trị y tế, giúp đỡ cộng đồng và hoạt động thiện nguyện.
Với bức hình nụ hôn chúc lành của Giáo hoàng Francis, bố mẹ Michael đưa thông tin lên Crowdrise hy vọng rằng sẽ thu hút được 5.000 USD để mua một chiếc xe mới chở cậu bé và gánh vác phần nào chi phí chăm sóc cậu hàng ngày.
Nhưng thật ngạc nhiên, như một phép lạ, dự án kêu gọi đã thu hút đến hơn 133.000 USD. Do Crowdrise không có thời gian kết thúc kêu gọi hay mục tiêu gọi vốn, vì thế gia đình Michael có thể ngừng chiến dịch kêu gọi vốn đến khi nào cần thiết.
Việc chăm lo một đứa trẻ khuyết tật sẽ tốn khá nhiều chi phí, không những thế Michael Keating lại chưa được hưởng chế độ bảo hiểm do vợ chồng Keating nhận nuôi bé từ bang khác. Có thể nói với nhiều khó khăn về thủ tục mà họ vẫn nhận nuôi bé là sự dũng cảm vô bờ khiến cộng đồng không ngừng ủng hộ.
Nụ hôn của vị Giáo hoàng đã làm cho thế giới biết đến tình cảnh của Keating và gia đình. Tính đến thời điểm này, có thể thấy rằng nụ hôn của vị Giáo hoàng đã mang lại cho gia đình Keating nhiều hơn mong đợi. Và liệu có bất kính khi nói rằng, nụ hôn của vị giáo chủ công giáo toàn cầu có giá trị hơn 130.000 USD, nếu chỉ xét riêng đối với gia đình của Keating.
Với sức mạnh của internet, cộng đồng bây giờ được trao quyền nhiều hơn. Họ có thể dùng nó để củng cố sức mạnh và cũng như giúp đỡ mảnh đời khó khăn bị gạt ra bên lề. Đó là ý nghĩa mà crowdfunding mang lại. Qua câu chuyện của Keating, một câu chuyện cảm động, một sự kiện đáng nhớ (nụ hôn của Giáo hoàng) đã giúp gia đình kết nối với nhiều gia đình đang cùng hoàn cảnh và sự đóng góp của nhiều nhà hảo tâm.
Vậy với một công trình biểu tượng như nhà thờ Đức Bà, đã đi vào ký ức của biết bao thế hệ người dân lương cũng như giáo tại đất Sài Thành này, chúng ta sẽ chọn cách crowdfunding nào để huy động nguồn lực từ mọi người để dự án trùng tu Vương Cung thánh đường sớm hoàn thành?
Nụ hôn cho “Đức Bà”, tại sao không?
Crowdfunding có 4 hình thức, trong đó có 2 hình thức liên quan đến đầu tư, 2 hình thức liên quan đến từ thiện và tặng quà sau khi đóng góp tương ứng với hai hình thức của cậu bé Keating và Nữ thần Tự do.
Về tính chất, việc trùng tu Vương Cung thánh đường tương tự như việc kêu gọi xây dựng tượng Nữ thần Tự do. Nhưng có điều thuận lợi hơn là Nhà thờ Đức Bà là công trình đã hoàn chỉnh, đi sâu vào ký ức nhiều người và tọa lạc tại trung tâm của thành phố. Nhà thờ Đức Bà là điểm tham quan lịch nổi tiếng và xung quanh đó góc nào cũng là góc nghệ thuật để giới trẻ ghi lại kỷ niệm bằng những bức hình selfie lẫn wefie. Các cặp đôi ít ai bỏ qua việc chụp hình cưới tại một nơi đầy ý nghĩa về tâm linh lẫn nghệ thuật này. Vì lẽ đó, dù là lương hay giáo thì ai cũng công nhận rằng đây là công trình mỹ thuật, tâm linh và lịch sử đại chúng nhất tại TP.HCM. Hãy tưởng tượng mà xem: Một ngày nào đó chúng ta không còn Nhà thờ Đức Bà để chụp hình vì sụp đổ sau bao năm tháng, chúng ta có muốn không?
Về loại hình crowdfunding nên sử dụng, hiện tại Tổng Giáo phận đang sử dụng hình thức truyền thống là từ thiện: cho đi và không nhận lại. Từ kinh nghiệm của tượng Nữ Thần Tự Do, hình thức đóng góp và gửi quà tri ân sẽ thu hút nhiều hơn. Việc tặng quà này không khác nhiều so với việc làm hội chợ bán hàng gây quỹ cho các hoạt động tông đồ mà giới trẻ thường làm, nhưng nó sẽ chuyển thành đặt hàng trực tuyến trước khi giao hàng. Tôi không có ý cất bớt việc của giới trẻ, nhưng giới trẻ với trình độ công nghệ của mình hoàn toàn dễ dàng chia sẻ thông tin và kêu gọi không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới đóng góp vào việc trùng tu công trình.
Vậy quà tri ân thế nào sẽ hợp lý? Trong các dự án tôi theo dõi, quà tặng đa dạng từ thiệp viết tay cho đến đặc sản của vùng hoặc có thể là một mô hình Nhà thờ Đức Bà như mô hình tượng Nữ Thần Tự Do. Quà cho người đóng góp có thể chia ra 5 loại sau:
– Thiệp cám ơn với chữ ký của cha Phao Lô, vị cha của Tổng Giáo phận (cũng khá là vinh dự).
– Đặc sản của của đất Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn? Ai biết hãy gợi ý xem?!
– Mô hình nhà thờ Đức Bà thu nhỏ. Nếu làm bởi tay của các em học sinh khuyết tật và vật liệu bảo vệ môi trường thì rất đáng để đóng góp để được gói này.
– Một chuyến du lịch quanh thành phố trong 1 ngày.
– Dự lễ đặt viên đá hoặc lễ khánh thành công trình…
Ngoài ra, các doanh nghiệp của doanh nhân Công Giáo cũng có thể tài trợ những dịch vụ họ đang có như nhà hàng, khách sạn và kể cả quyền lợi truyền thông trên những ấn bản của giới Công Giáo. 6 triệu giáo dân không phải là con số nhỏ để bỏ qua.
Và cuối cùng, chúng ta còn thiếu một thứ. Nụ hôn của vị cha chung? Vị cha của giáo hội Công Giáo hoàn vũ. Năm 2017, nếu may mắn Việt Nam sẽ nằm trong lịch trình tông du của cha Phan Xi Cô. Chúng ta có nên mời cha hôn vào tượng Đức Mẹ Hòa Bình để chúc lành cho việc gây quỹ trùng tu? Hy vọng cha sẽ không từ chối một nụ hôn chúc lành cho “Đức Bà” để việc trùng tu thuận lợi hơn.
Một câu hỏi vui là: Chúng ta muốn cha Phan Xi Cô hôn vị trí nào của tượng?
– Nếu hôn chân thì e là “Đức Bà” không muốn đâu. Vì Đức Bà nhận mình là nữ tỳ của Chúa sao lại để cho vị đại diện của Chúa ở thế gian làm thế.
– Hôn lên tấm vải che đầu? Theo văn hóa Việt Nam có lẽ hơi “hỗn”. Làm thế chả khác nào thân phụ Gioakim của “Đức Bà”.
– Hồn lên quả địa cầu có cây thánh giá trên tay? Rất ý nghĩa! Tượng tên đầy đủ là Tượng Đức Bà Hòa Bình. Nếu cha Phan Xi Cô hôn lên đó không chỉ chúc lành cho Nhà thờ Đức Bà mà còn chúc thế giới an lành.
Đợt quyên góp lần 1 đã kết thúc, tôi rất mong đợt một sẽ thu được phần lớn so với chi phí cần trùng tu. Và tôi cũng mong đóng góp hiểu biết và kinh nghiệm từ crowdfunding để giúp đỡ Tổng Giáo phận. Và trong tương lai xa hơn, tôi sẽ giúp nhiều ý tưởng có ích cho cộng đồng thành hiện thực nhờ mô hình này.
Tài liệu tham khảo: Crowdfund Invest for Dummies, Blog FirstStep.vn
Bài viết liên quan:
- Bản đồ và danh sách 25 giáo điểm của Tổng giáo phận Sài Gòn
- Thánh lễ trực tuyến là ơn soi sáng của Ngài
- Về ông thánh bổn mạng da đen Martino de Porres
- Bậc chính nhân quân tử đích thực
- Người đàn bà tội lỗi và cô gái lộ clip
- Bậc chính nhân quân tử đích thực
- Khi lời con trẻ là lời cảnh tỉnh
- Chết đi – Sống lại