Chết đi – Sống lại

Trải qua biến cố nào đó, rồi lại sống bình an, chúng ta có cụm từ “như chết đi sống lại”.
 
Cách đây 2020 – 33 = bao nhiêu năm lấy máy tính.
 
Có một người trải qua cái ý nghĩa như thế. Đang yên lành, chịu hình phạt tử hình nhục nhã nhất thời cổ đại. Bị tra tấn đòn roi, bị đập 1 vòng gai (gọi vinh quang là mão gai) vào đầu, vác 1 cây gỗ nặng nề ra nơi mình chết, đóng 3 cái đinh vào tay và chân, chịu sức nặng tột cùng của thân mình vào tay và sau khi tắt thở lãnh một ngọn giáo vào sườn 🙁
 
Dịp Giáng Sinh, chúng ta vui mừng bao nhiêu. Tới tầm gần vào hè, chúng ta thinh lặng bấy nhiêu. Thinh lặng đến nỗi người bên lương tưởng là Giáng Sinh chắc quan trọng hơn với người Công Giáo. Nhưng Phục Sinh mới chính là biến cố khai sinh một giáo hội mới với tuổi đời hàng nghìn năm. Và lễ ngày nào, cũng tưởng niệm lại biến cố này, nhưng gần hè là sự gợi nhớ mạnh mẽ nhất.
 
Tại sao cái chết đầy máu me và đáng sợ lại vinh quang và quan trọng vậy? Nói một cách dễ hiểu. Mọi sự đau đớn, tủi nhục của người bị chết treo ấy, là đại diện cho bản tính ác của con người. Và trong mỗi nhà thờ, cái tượng nhục nhã ấy treo cao, để khi nhìn vào chúng ta thấy cái phần ác trong con người chúng ta. Để sống ác hơn? Không, để sống cho ra con người hơn. Con người như thế nào? Con người yêu thương và dám chết cho người mình yêu.
 
Và khi ta nhìn ra được con thú tội lỗi và từ bỏ nó, chúng ta nhẹ nhàng và bình yên. Chúng ta không phải sống đề phòng và sẵn sàng thủ ác với đồng loại. Người và người sống chan hòa và yêu thương. Nghe bình thường vậy thôi nhưng từ căm thù đến yêu thương, chúng ta phải bỏ công bỏ sức ra mà xây. Trong quá trình xây đôi khi không phải một người chết đâu. Nó đổi cả triệu người. Để làm ra xã hội nhân bản trả bằng máu và nước mắt như một người chịu tủi nhục và đau đớn dù đã chết đi cách đây cả nghìn năm. Chẳng có gì tự tới cả!
 
Một xã hội hòa bình mới khai sinh, khác gì chúng ta chết đi con người độc ác cũ và làm sống lại con người yêu thương mới. Như câu hát thường nghe: “Người đi trong nước mắt và người về trong câu ca, tay ôm bó lúa lòng mừng câu ca.”
 
(Tâm tư của người tội lỗi)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *