Nhân văn là như thế nào?

Nhà hàng xóm có tang cách đây vài tuần.

Một người em cải đạo, cưới một cô gái Việt làm vợ đã qua đời.

Dù đã được an táng theo nghi thức Công Giáo, dù cho lúc sống anh chị em cũng chẳng mặn mà với  nhau. Nhưng khi đi rồi, anh chị vẫn muốn người em mình được đi an nghỉ như một gia đình người Hoa. Ngày đưa tang, đoàn đưa ghé ngôi nhà sinh thời để tiễn biệt. Một bàn thờ nhỏ được lập lên để đó. Hiếm có một lễ tang nào hòa quyện cả 2 văn hóa trong một như vậy.

Nói thêm về anh hàng xóm bị gia đình từ mặt. Anh ấy ra đi khỏi nhà trở thành câu chuyện huyền thoại của cả xóm. Anh giúp mẹ buôn bán tiệm sắt từ khi thiếu niên cho tới khi bà đuổi khỏi nhà vì đi ngược truyền thống. Anh ra đi, chỉ độc chiếc quần đùi và chiếc xe dream. Mọi thứ anh làm cho mẹ không đòi lấy một đồng. Anh đi theo tiếng gọi tình yêu, tiếng gọi của đấng tối cao mà anh mới ngộ ra vào tuổi trưởng thành.

Ngày về sau khi mẹ mất, cũng chả êm thắm gì. Anh em tranh nhau ngôi nhà, nhà trước nhà sau, nhà lớn nhà nhỏ. Cuối cùng thì mọi chuyện kết thúc hòa bình, và anh chị em lại chả nhìn mặt nhau. Anh vẫn sống, tiếp nối nghiệp buôn bán của mẹ, đi nhà thờ siêng năng mỗi tuần, hàng ghế đầu anh ngồi chiếm luôn chỗ 3 người. Thông cảm, anh là người to nhất xóm từ cái thời trẻ con trong xóm suy dinh dưỡng.

Anh đi đột ngột sau cơn bệnh nặng. Người biết chuyện thì không bất ngờ, nhà nghỉ bán hơn 1 tuần. Nhiều người cũng biết rằng anh đã mắc bệnh nặng, chuyện chia ly có gì đâu mà ngạc nhiên nữa. Sau ngày anh đi, người chị không nhìn mặt vẫn thắp đèn cầy, vẫn đốt nhang cúng. Và cũng nơi nhà anh xa xa nơi sinh thời, những tiếng kinh vang lên đều đều.

Anh là con Thiên Chúa, và cũng là một người Hoa.

Ra đi trong tiếng kinh cầu,
Nhang đèn tưởng nhớ cội nguồn xuất thân.

(Viết cho 1 ngày hương vàng mã xông khắp phòng)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *