Nay thay mặt cho người phương xa gửi quà, chứ con đỗ nghèo khỉ như mình có cái miệng thôi chứ làm gì có quà mà gửi. Cô trong ban Caritas giới thiệu cho một mái ấm đang nuôi dưỡng các em khiếm thị tại Bình Tân.
Mái ấm có tên là Như Nghĩa. Phụ trách là các sơ Dòng Phan Sinh Thừa Sai. Mái ấm đã được thành lập từ năm 1995 trong một căn nhà cấp 4 bằng gỗ tại Giáo xứ Tân Chí Linh. Qua thời gian, căn nhà gỗ đó không bao bọc hết số các em khiếm thị ngày càng đông. Các sơ đã mua mảnh đất tại Bình Chánh để làm cơ sở mới. Từ một mảnh đất ruộng sình lầy nằm giữa Bình Hưng Hòa và Vĩnh Lộc, các sơ đã xây dựng từ từ thành cơ sở khang trang ngày nay.
Cơ sở có các phòng như:
- Lớp học phổ thông cơ bản để chuẩn bị cho các em học hòa nhập.
- Lớp mẫu giáo.
- -Phòng học đàn,
- Hội trường đa năng để sinh hoạt
- Và một hồ nước để điều hòa không khí.
- Chưa kể khoảng sân rộng với nhiều món đề chơi rèn luyện thân thể.
Cuộc viếng thăm đúng hơn là cuộc giao lưu và tìm hiểu giữa 2 thế giới: khiếm thị và khiếm thính.
Đa số các em hiện đang học tại Nhạc Viện thành phố. Vài em thì chọn học nghề, đa số theo nghề massage để mưu sinh. Một em đam mê luật nhưng được các sơ hướng chọn ngành tâm lý. Mắt không sáng như bù lại các em lại có khả năng cảm nhận âm thanh và cảm xúc người đối diện rất tốt. Như các sơ kể thì các em tạo sự chú ý bằng tiếng ồn để khẳng định mình tồn tại. Thật khác với các em khiếm thính hay dùng hành động múa tay để gây chú ý về phía mình, nhưng không có nghĩa là không ồn nhé. Các bạn khiếm thính mà tạo tiếng động cũng không thua volume với các bạn khiếm thị dùng giọng nói đâu.
Ghé thăm các phòng học, có những cuốn sách giáo khóa dày cộm. Người bình thường học một cuốn chắc khoảng 100 trang là hết chương trình. Nhưng qua chữ Braille nó thành dày cộm như 1 cuốn đại từ điển cỡ ngàn trang. Vì một chữ braille dài gấp 4 – 5 lần chữ thường.
Và ở đây cũng nghe về thuật ngữ can thiệp sớm, nếu như bên khiếm thính là cuộc chiến khởi động dây thần kinh nghe. Bên khiếm thị là sự giáo dục về tâm lý để các em tự tin giao tiếp, bảo vệ bản thân đồng thời thoát khỏi trạng thái tự kỷ, thu mình. Và tất cả vì một mục tiêu chung, cho các em một tương lai hòa nhập.
Bàn tay giơ cao
Trước khi kết thúc tham quan, có hỏi sơ phụ trách về hình tượng bàn tay ở giữa sân.
Bàn tay chính là công cụ kết nối của người khiếm thính với thế giới. Họ cảm nhận khuôn mặt, họ đọc chữ, họ lần mò chướng ngại vật… Bàn tay giơ lên cao cũng là cầu xin sự giúp đỡ từ ân nhân cũng như ơn trên. Với các cơ sở này, khó mà đứng vững nếu thiếu sự ủng hộ của quý ân nhân.
Ai muốn ủng hộ thì liên hệ với các sơ tại:
- 267/4 Nguyễn Thị Tú, Khu phố 2, Phường Bình Hưng Hòa B, Quận Bình Tân, TP.HCM.
- Số điện thoại liên hệ: 0383 009 826.
Chuyện vui bên lề:
Ai là người may mắn?
Hôm tết vừa rồi có một bạn khiếm thính bị nhà chủ đem bỏ rơi giữa khu Bình Tân. Bạn ấy quá hoảng chạy ra đồn công an. Bạn ấy nói chả ai hiểu. Còn các anh trong phường cũng không phân biệt khiếm thị và khiếm thính, tới mời các sơ tới giúp đỡ. Cuối cùng thì sơ chỉ còn biết kêu bạn khiếm thính này viết ra điều bạn ấy muốn nói. Chứ không ai hiểu bạn ấy nói và ngôn ngữ ký hiệu.
Bạn ấy bị chủ quỵt tiền không cho về xe. Bạn ấy phản ứng thái quá thế là bị chủ chở ra khu hoang vắng bỏ rơi. Tết nhất các chú ở phường cũng không giải quyết được. Các sơ đành rước về cho ở vài hôm trong tết. Ra tết làm thủ tục tố cáo rồi bạn ấy mới về được quê.
Trong các lần nói chuyện, sơ hay bảo các em khiếm thính có thể may mắn hơn các em khiếm thị. Mình thì bảo chả đã khiếm khuyết thì không may lắm. Có chúng ta những người không khiếm khuyết mới thật là những người may mắn.
Chúa còn cho ta cảm nhận thế giới bằng 5 giác quan, còn giúp được người khác thì ngày đó mình vẫn còn là người may mắn vậy.
Cô học sinh xuất sắc
Một cô học sinh ở Bắc Giang xa xôi cũng vào học trong mái ấm này. Sau khi học xong, cô về quê lập nghiệp. Với tài năng và hiểu biết của mình, cô làm chủ tịch hội người khiếm thị của tỉnh và hỗ trợ cho người đồng cảnh ngộ có tương lai tốt hơn. Và tấm lòng của cô đã khiến một chàng trai bình thường ngưỡng mộ và ngỏ lời. Một cái kết đẹp cho một cô bé khiếm thị.
Các bài liên quan
- Những câu chuyện buồn nhiều hơn vui từ Mai Hòa – 1
- Những câu chuyện buồn nhiều hơn vui từ Mai Hòa – 2
- Mái ấm Hoa Hồng Củ Chi: Mái nhà của những tâm hồn trẻ thơ
- Đánh giá về nhà khách của Cộng đoàn La San Đà Lạt
- Chết đi – Sống lại
- Về ông thánh bổn mạng da đen Martino de Porres
- Halloween hay Lễ các Thánh: Của ai và cho ai?
- Bậc chính nhân quân tử đích thực
- Thánh lễ trực tuyến là ơn soi sáng của Ngài
- Bản đồ và danh sách 25 giáo điểm của Tổng giáo phận Sài Gòn
- Nụ hôn nào cho “Đức Bà” của chúng ta? (Bài viết 2015)
- Khi lời con trẻ là lời cảnh tỉnh
- Người đàn bà tội lỗi và cô gái lộ clip